Hòa Thân (1750 - 1799), một đại thần quyền lực dưới thời hoàng đế Càn Long của nhà Thanh, nổi tiếng là quan chức tham nhũng bậc nhất trong lịch sử phóng kiến Trung Quốc.
Theo sử sách chép lại, thời điểm Hòa Thân bị bắt, tài sản tịch thu được trong nhà ông gồm 800 triệu lượng bạc cùng nhiều giấy tờ sở hữu cửa hàng, ruộng đất... Tổng giá trị tương đương với ngân khố của nhà Thanh tích góp trong 15 năm.
Số tài sản chắc chắn liên quan trực tiếp đến hành vi tham nhũng của Hòa Thân, nhưng một phần không nhỏ trong số đó kiếm được nhờ chính tài năng của ông quan này.
Thương nhân nhạy bén
Hòa Thân rất nhạy bén trong kinh doanh, sẵn sàng đầu tư vào những mặt hàng mà thời đó ít ai dám làm. Thời nhà Thanh, việc khai thác mỏ là một ngành đầy rủi ro vì vốn đầu tư lớn, lợi nhuận chậm và quản lý phức tạp, nên nhiều thương nhân không dám tham gia.
Tuy nhiên, Hòa Thân lại đi ngược xu hướng và mở mỏ khai thác than ở hai khu vực Môn Đầu Câu và Hương Sơn. Lý do Hòa Thân đầu tư vào ngành khai thác than là vì ông nhìn thấy tương lai một ngành công nghiệp đang phát triển. Và lịch sử chứng minh than là một nguồn tài nguyên quan trọng trong đời sống và các lĩnh vực công nghiệp. Điều này cho thấy Hòa Thân có tư duy kinh doanh hiện đại và tiên phong.
Lĩnh vực đầu tư và các dự án đầu tư của Hòa Thân cũng rất rộng, bao gồm: tài chính, bất động sản, khai thác mỏ, hậu cần, y học... Ông sở hữu 12 hiệu cầm đồ ở Bắc Kinh, đồng thời điều hành các văn phòng quản lý tài chính, cửa hàng đồ sứ, cửa hàng cung tên, cửa hàng ngũ cốc, nhà hàng, sòng bạc, cửa hàng kiệu...
Vào thời kỳ phong kiến, kiệu có thể được coi là ngang hàng với ô tô ngày nay. Nhưng Hòa Thân lại có thể thâu tóm thị trường của mặt hàng này ngay tại kinh thành.
Bên cạnh đó, Hòa Thân lấn sân lĩnh vực vận tải, sở hữu 80 cỗ xe lớn chuyên vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, cách thức hoạt động gần như dịch vụ chuyển phát nhanh ngày nay.
Tuy nhiên, bất động sản mới là nguồn tiền lớn nhất của vị đại quan này. Vào năm thứ 52 dưới triều đại Càn Long, một số cuộc nổi dậy đã nổ ra ở một số nơi. Địa chủ ở nhiều nơi đã bán đất và tài sản của mình với giá rất thấp để đi lánh nạn. Hòa Thân nhìn thấy cơ hội và vung tay tích trữ một lượng lớn đất đai.
Khi đất nước ổn định và giá đất tăng, đất có thể bán lại với giá cao hơn nhưng phần lớn được Hòa Thân cho thuê để tạo ra dòng tiền mặt ổn định. Chỉ riêng ở Bắc Kinh, Hòa Thân có 35 căn nhà cho thuê với tổng cộng hơn 1.000 phòng. Điều này cho thấy tầm nhìn và sự gan dạ trong kinh doanh của Hòa Thân.
Không chỉ giỏi kiếm tiền mà Hòa Thân còn rất tinh tường trong việc quản lý tài sản. Ông áp dụng nguyên tắc "anh em tiền bạc rõ ràng", không phân biệt họ hàng hay bạn bè, ai vay tiền cũng phải viết giấy vay nợ, trả lãi và có tài sản thế chấp.
Ví dụ, ông ngoại của Hòa Thân từng vay ông 2.000 lạng bạc. Sợ rằng ông ngoại không thể trả nợ đúng hạn, Hòa Thân đã ép ông cụ đưa sổ đỏ đất đai làm tài sản thế chấp. Còn người cậu ruột của Hòa Thân từng vay ông 15.000 lạng bạc, Hòa Thân cho vay với lãi suất mỗi tháng một phân, cuối cùng số tiền cả gốc lẫn lãi tăng lên đến 21.000 lạng bạc.
Mang tiền về cho hoàng đế
Hòa Thân được đánh giá là người thông minh, khôn khéo và tinh tế. Sử sách từng ghi chép rằng Hòa Thân "cử chỉ nhẹ nhàng, không kiêu ngạo, lời nói lưu loát, hài hước nhưng lại vô cùng cảnh giác".
Khi ở bên cạnh hoàng đế Càn Long, ông luôn khiến hoàng đế cảm thấy rất thoải mái và yên tâm. Bất cứ khi nào gặp phải công việc phức tạp của triều đình, hoàng đế Càn Long luôn giao Hòa Thân xử lý và công việc luôn được giải quyết ổn thỏa.
Khi đó, Bộ Nội vụ nhà Thanh luôn đối mặt với tình trạng thiếu tiền khiến hoàng đế phải đau đầu. Những người đứng đầu bộ này khi đó đều không có năng lực kinh doanh khiến nhiều doanh bên ngoài nghiệp của triều đình liên tục thua lỗ.
Không lâu sau khi Hòa Thân nhậm chức Bộ Nội vụ, ông mang lại cho bộ máy chính phủ được quản lý kém cỏi này một diện mạo mới, không chỉ bù đắp thâm hụt tài chính mà còn đạt được lợi nhuận ròng.
Vì khả năng vượt trội của Hòa Thân, hoàng đế Càn Long bổ nhiệm ông làm người giám sát thuế ở Sùng Văn Môn. Dưới sự quản lý của ông, nguồn thu thuế của môn quan này tăng lên đáng kể và được xếp vào hàng thuế môn quan hàng đầu trong nước.
Hòa Thân nhờ năng lực thực sự của bản thân mà giành được sự tin tưởng của hoàng đế Càn Long. Sau này, Càn Long dần giao toàn bộ các cơ quan liên quan đến tài chính cho Hòa Thân quản lý.
Hòa Thân lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như Thị lang Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Hộ và Đại thần Nội vụ phủ. Chính nhờ nắm giữ những cơ quan tài chính quan trọng của quốc gia cùng sự sủng ái của hoàng đế, mà việc tham nhũng và nhận hối lộ của Hòa Thân diễn ra thuận lợi, khối tài sản của ông ngày càng nhiều.
0 nhận xét :
Post a Comment