Nhật Bản được biết đến là quốc gia có hệ thống thờ cúng các vị thần khá đồ sộ và đa dạng, bên cạnh các vị thần bản địa thì người Nhật còn tiếp nhận thêm rất nhiều vị thần từ nền văn hóa khác. Và Bishamon-ten là một trong số đó.
Tạo hình của Bishamon-ten trong game Fate Grand Orders
Nguồn gốc của Bishamon-ten
Trong thần thoại Ấn Độ có một vị thần tên là Kuvera hay Kubera, ông còn được gọi là Vaisravana hay Vessavana. Kubera tu luyện khổ hạnh hàng ngàn năm nên đã được thần sáng tạo Brahma ban cho sự bất tử, giàu sang và đảm nhận việc trông coi kho tàng của thế gian. Ông được đề cập đến trong các kinh điển Veda như là vị vua của các quỷ thần sống trong bóng tối.
Sau này, khi Kubera được đưa vào hệ thống các vị Hộ thế trong Phật giáo Ấn Độ, ông được miêu tả là một trong bốn vị thiên vương, trấn giữ phương Bắc của cõi trời thứ nhất trong Dục giới, hàng phục chúng ma, bảo hộ tài sản trong nhân gian. Thần Vessavana thường được thờ phụng dưới hình dạng của thần Kubera – tức là hiện thân quan trọng nhất của thần (ngoài ra còn có một số hiện thân khác tùy theo từng đất nước). Thần được miêu tả có hình dáng to béo, tay cầm túi đựng châu báu và xung quanh đầy vàng bạc hoặc là mặc giáp trụ, cưỡi sư tử, được vây quanh bởi 8 yaksa (dạ xoa).
Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa và được đưa vào hệ thống thần tiên của người Hoa, thần Kubera có thêm tên gọi khác là Đa Văn Thiên Vương (vị thiên vương lắng nghe cả thế gian). Dần dà, theo Phật giáo và văn hóa Trung Hoa, thần Kubera cũng được thờ cúng tại một số quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bishamon-ten trong văn hóa Nhật Bản
Tạo hình Bishamon-ten trong manga Record of Ragnarok
Tại Nhật Bản, thần Kubera được gọi là Tamon-ten hoặc Bishamon-ten. Cùng với nữ thần thịnh vượng, hạnh phúc Lakshmi của Ấn Độ, ông được đưa vào hàng ngũ Thất Phúc Thần – nhóm 7 vị thần đảm nhận việc mang lại may mắn trong thần thoại và văn hóa dân gian. Bishamon-ten được thờ cúng ở rất nhiều ngôi đền và ngôi chùa nổi tiếng tại Nhật Bản.
Ngôi chùa nổi tiếng nhất thờ Bishamon-ten là chùa Shigisan Chogosonshi-ji ở tỉnh Nara, có tuổi đời lên đến hơn 1400. Theo quan niệm của người dân, Bishamon-ten đã xuất hiện ở nơi này vào giờ dần, ngày dần, năm dần để truyền dạy bí quyết thắng trận, ông có thể đánh bại kẻ thù và xây dựng nền móng truyền giảng Phật giáo.
Bishamon-ten trong văn hóa đại chúng
Bishamon-ten có lẽ là một trong số những vị thần nổi tiếng của Nhật Bản, bởi có rất nhiều sản phẩm văn hóa đại chúng lấy cảm hứng từ ông. Đặc biệt, các họa sĩ và tác giả manga-anime khai thác yếu tố văn hóa dân gian Nhật Bản thường đưa Bishamon-ten vào tác phẩm của mình. Với các fan yêu thích manga-anime, thật rất dễ dàng để có thể kể ra tên một số bộ truyện có nhắc đến Bishamon-ten như Record of Ragnarok, Conan, RG Veda…
0 nhận xét :
Post a Comment